The First Bát Tràng Museum by national artist vũ thắng
Menu
The First Bát Tràng Museum by
national artist vũ thắng
Menu

Những bức ảnh hiếm thấy về Làng cổ Bát Tràng trước đây

Bộ ảnh ít thấy về Làng cổ Bát Tràng qua ống kính nhiếp ảnh gia Lâm Trúc Quỳnh (LTQ), một người con của làng gốm. Câu chuyện thú vị về làng cổ Bát Tràng trước đây được kể lại trên trang Bát Tràng Museum tại Google Arts & Culture.

 Biên tập VŨ CHI LAM
Bài HÀ TUẤN MINH
Nhiếp ảnh LÂM TRÚC QUỲNH (LTQ)

Làng nghề gốm cổ truyền 700 năm tuổi, nằm ở tả ngạn sông Hồng, cách trung tâm Hà Nội 12km.

Những bức ảnh được chụp khoảng 20-30 năm trước tại làng cổ Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Hàng phơ được xếp vào bao nung gốm để chuẩn bị vào lò.
Trước khi có những lò ga, lò điện nung gốm như hiện nay, người Bát Tràng sử dụng lò cổ như lò bầu lò hộp nung bằng than và củi. Những nắm than to bằng bàn tay, hay còn được gọi là “bánh than” được đắp lên bức tường cổ, để phơi khô. Sau khi phơi xong, bánh than sẽ được xếp xen kẽ giữa các chồng bao nung để làm chất dẫn lửa trong lò gốm. Những dấu tích bánh than được lưu lại trên bức tường cổ vô tình trở thành nét riêng của làng cổ Bát Tràng.

Làng cổ Bát Tràng tồn tại và phát triển gắn với Thăng Long – Hà Nội, là một địa điểm văn hóa – lịch sử quan trọng đối với gốm sứ nước nhà. Khác với các làng nghề truyền thống ở Bắc Bộ, Bát Tràng không sản xuất nông nghiệp. Với người Bát Tràng, từ lâu nay, họ chỉ “độc canh” một nghề duy nhất và có mối quan hệ gắn bó không thể tách rời với nó – nghề làm gốm.

Những hình ảnh được nhiếp ảnh gia LTQ ghi lại giờ đã khác. Nghề gốm ở Bát Tràng cũng phát triển với những phương thức làm gốm mới, hiện đại hơn.

Trải qua thăng trầm, song với lòng yêu nghề và tình yêu mảnh đất quê hương, nghề gốm ở Bát Tràng vẫn luôn được dân làng duy trì và phát triển. Mỗi khi nhắc về gốm, người dân Bát Tràng có câu cửa miệng: “nhất xương, nhì da, thứ ba dạc lò” (chất đất, lớp men, kinh nghiệm cầm lửa).

Gốm được ví như một cơ thể sống, một vũ trụ thu nhỏ, trong đó có sự kết hợp hài hòa của Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Để một sản phẩm gốm ra đời, người thợ gốm không chỉ cần đôi bàn tay khéo léo mà còn cần cả sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và những kinh nghiệm qua năm tháng.

Nghệ nhân Bát Tràng sử dụng loại đất sét và đất cao lanh, kết hợp bí quyết pha chế đất, tạo hình, nung gốm và tráng men qua nhiều thế hệ, tạo nên sản phẩm gốm bền đẹp, màu sắc tinh tế và hoa văn tinh xảo. (Ảnh ở trên) Công đoạn tạo hình sản phẩm trong quá trình làm gốm.
Phương pháp nung gốm bằng than và củi ngày nay không còn được sử dụng. Hầu hết các sản phẩm gốm Bát Tràng hiện đại đều được nung bằng lò điện hay lò gas.
Cách những hàng gốm khổ lớn được người Bát Tràng vận chuyển.
Lò bầu là một trong những loại lò nung gốm truyền thống bằng củi của người dân Bát Tràng, có cấu trúc độc đáo gồm nhiều bầu xếp liền kề nhau như những vỏ sò úp. Trước đây, có khoảng 20 chiếc lò bầu được các hộ sản xuất lớn của làng làm ra và cho các xưởng nhỏ thuê nung gốm theo từng bầu. Ngày nay, chỉ còn lại duy nhất một chiếc lò cổ được bảo tồn và sử dụng như một địa điểm tham quan.
Vận chuyển hàng cỡ đại qua khu vực Đình làng Bát Tràng.
Lò nung đốt bằng gas được thiết kế riêng dùng để nung sản phẩm cỡ đại.
Nét đặc trưng của ngõ nhỏ làng cổ Bát Tràng.
Nét đặc trưng của ngõ nhỏ làng cổ Bát Tràng.
Những ngõ nhỏ chỉ vừa một lối người đi.
Lễ hội làng Bát Tràng được tổ chức vào tháng Hai âm lịch hàng năm.
Địa hình ven sông của Bát Tràng thuận tiện cho việc giao thương gốm và phát triển du lịch.
Cùng với tiêu dùng nội địa, gốm Bát Tràng đã trở thành hàng hóa xuất khẩu tới các châu lục khác nhau trên thế giới và ngày càng được đánh giá cao trên trường quốc tế.