Về lại nơi chôn rau cắt rốn của mình là làng gốm nổi tiếng, Vũ Đức Thắng là một trong những người con trai Bát Tràng đầu tiên và hiếm hoi theo đuổi con đường mới. Đó chính là việc theo học tại khoa Đồ hoạ, trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, tiền thân của Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội hiện nay, với ý nguyện muốn nâng cao giá trị mỹ thuật cũng như kinh tế của các sản phẩm gốm Bát Tràng, cho bắt kịp với nhu cầu thời đại và thị hiếu của công chúng trong và ngoài nước.
Nhưng để có thể tạo ra được một dấu ấn riêng đậm nét tại một làng nghề giàu truyền thống, đâu phải là chuyện dễ dàng. Nhất là trong những năm tháng gian nan khó khăn của thời kỳ bao cấp chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, những năm thuộc thập niên cuối cùng của thế kỷ 20.
Đến với gốm Bát Tràng bấy giờ không chỉ là những vị khách tiêu dùng thông thường cần mua một bộ ấm chén hay chồng bát ăn cơm, hũ đựng mắm, âu muối dưa gia dụng như thời bao cấp. Ngày nay, các vị khách tuy vẫn trung thành với những sản phẩm như vậy, nhưng yêu cầu về chất lượng kỹ thuật và hình thức mỹ thuật cao hơn rất nhiều. Chưa nói đến việc các nhà sưu tập gốm mỹ thuật Bát Tràng đang hình thành một đội ngũ ngày càng đông đảo khắp trong và ngoài nước…
Vào khoảng những năm đầu tiên thế kỷ 21, nhiều người không khỏi sững sờ trước những sản phẩm gốm mỹ nghệ với màu men nâu già, và nét vẽ bay bổng, thanh thoát, vừa truyền thống vừa hiện đại. Những nước men mới nồng ấm và sâu thẳm, những đường nét trang trí uyển chuyển và sống động của họa sĩ nghệ nhân Vũ Đức Thắng đã chinh phục được những vị khách đồng điệu, cho dù cách bức về không gian và thời gian.
Một trang mới đã mở ra trong cuộc đời và sự nghiệp của họa sĩ nghệ nhân Vũ Đức Thắng, với sự đồng hành của người cộng sự quý: nghệ nhân Lê Hồng Hải – người thợ gốm có khả năng vuốt tay được những tác phẩm gốm sứ tinh xảo, thể hiện đúng ý đồ sáng tạo của họa sĩ – nghệ nhân Vũ Đức Thắng.
Người ta nói rằng, nước men truyền thống của làng Bát Tràng được tạo nên từ tro than, đất bùn và phù sa của dòng sông Mẹ. Và chính từ những thức nguyên liệu ấy, qua sự pha chế gia giảm các khoáng chất từ mỗi bàn tay nghệ nhân, rồi qua sự biến hóa của ngọn lửa hoàn nguyên ngàn độ nóng, sẽ cho ra đời những sắc men tuyệt đẹp làm nên sự quyến rũ của gốm Bát Tràng.
Kỹ nghệ chế tác men là một trong những kỹ nghệ bí ẩn của người trong nghề. Nghệ nhân gốm chỉ có thể dùng chính đôi tay dày dạn kinh nghiệm của mình để cảm nhận được sự vi diệu, tinh tế của mỗi thành phần nguyên liệu và khoáng chất hòa hợp trong đó. Men cát, men rạn, men kính, men chảy…, dòng men cổ truyền nào của làng gốm Bát Tràng cũng đã từng được Vũ Đức Thắng thể nghiệm qua và đem lại thành công. Song những sản phẩm từ những dòng men ấy sớm muộn rồi cũng đến lúc trở thành đại trà, đầy rẫy trên thị trường.
Một lối rẽ mới trong kỹ nghệ làm men gốm, ấy chính là con đường mà người nghệ nhân nhân dân trăn trở muốn hướng tới trong hàng chục năm ròng. Và bằng những sản phẩm gốm men màu tổng hợp, đem lại những sắc thái độc đáo, bổ sung cho bộ sưu tập các dòng men quý của làng nghề Bát Tràng, hoạ sĩ Vũ Đức Thắng đã được chính quyền thành phố phong tặng danh hiệu nghệ nhân gốm sứ vào năm 2003, năm ông 49 tuổi.
Có ai đó đã nhận xét rằng: hình như tại người đàn ông này mang mạng Kim, nên rất hợp với những yếu tố thuộc về Thủy, về nước, về sông hồ, đầm ao. Thế nên, những motif trang trí cổ truyền như hoa sen, vịt ngỗng, tôm cá, rong rêu mềm mại, tươi tắn thường được ông thể hiện trên các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, dưới con mắt và bàn tay của một họa sĩ đồ họa hiện đại, những motif trang trí truyền thống ấy vẫn mang những dáng nét sống động, hài hòa, thích ứng với thị hiếu của người đương thời.
Những đứa con tinh thần yêu dấu của họa sĩ nghệ nhân Vũ Đức Thắng lần lượt được sinh ra trong thập niên đầu tiên của thế kỷ mới. Được lưu giữ trong không gian ngôi nhà phục cổ Bát Tràng, dường như chúng cũng đã nhuần thấm cái hồn cốt thiêng liêng và bí ẩn của làng nghề ngàn tuổi. Trong những sắc men óng ngời mà sâu thẳm ấy, dáng hình những hạt phù sa sông Mẹ có dễ đâu hiển hiện, song ai đó nếu hữu tâm, đều có thể cảm nhận đôi điều
Đó là những vần thơ cảm tác chứa chan tình cảm của một trong những người bạn đồng khóa tại trường Cao đẳng mỹ thuật công nghiệp Hà Nội của họa sĩ Vũ Đức Thắng: họa sĩ Đăng Sương.
Gian trưng bày sản phẩm Hồn Đất Việt chỉ là một trong hàng trăm gian hàng tại chợ gốm Bát Tràng. Nhưng nét khác biệt mà nó mang trong mình, ấy chính là những bình gốm và hàng trăm sản phẩm đa dạng trong những nước men mới lạ, giàu sắc thái, chưa từng xuất hiện trong lịch sử những dòng men gốm Bát Tràng.
Đình làng Bát Tràng được khởi lập từ thời nhà Lê, khi những người thợ gốm từ trang Bồ Bát ở mạn Ninh Bình Thanh Hóa di cư ra lập nghiệp bên sông Hồng lập nên Bạch Thổ phường, tức là phường Đất Trắng. Mảnh đất mang tên nguồn nguyên liệu đặc biệt làm nên những sản phẩm gốm sứ nổi danh xa gần
Chẳng phải ngẫu nhiên mà các vị chức sắc của làng Bát Tràng thời hiện đại đã bầu chọn giữa hàng chục nghệ nhân của làng được một người là nghệ nhân Vũ Đức Thắng để nắm cương vị Trưởng ban tu tạo đình làng Bát Tràng với quy mô tu tạo lớn nhất trong số các công trình đình làng ở Hà Nội hướng về kỳ đại lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội.
Cùng đó, là ý tưởng sáng tạo nên bộ tác phẩm gốm sứ cỡ đại mừng Đại lễ, với mong muốn tái hiện chặng đường lịch sử 4 ngàn năm oai hùng của dân tộc. Tiêu biểu là tác phẩm “Hai Bà Trưng cưỡi voi ra trận”: hình tượng hai vị nữ vương oai hùng đầu tiên của lịch sử nước Nam được tác giả thể hiện bằng sắc men nâu sồng dung dị mà khoẻ khoắn. Tác phẩm “Chiếu dời đô” (đồng tác giả cùng nhà thư pháp Trần Đức Cảnh và nghệ nhân khảm trai Nguyễn Đức Biết) tôn vinh đức vua Lý Thái Tổ anh minh sáng suốt, người đã có công khởi lập vương triều nhà Lý vẻ vang và kinh thành Thăng Long trên mảnh đất rồng thiêng. Bộ tượng gốm “Thập bát La Hán” thể hiện tinh thần tôn vinh Phật pháp của vương triều nhà Lý với tư tưởng phụng sự tổ quốc và dân tộc, cổ súy tình yêu thương trong cộng đồng xã hội…
Triển lãm thủ công mỹ nghệ Hà Nội chào mừng đại lễ nghìn năm Thăng Long Hà Nội mở tại Cung văn hóa Hữu Nghị vào kỳ thượng tuần tháng 8 năm 2010. Sản phẩm của các nghệ nhân và thợ giỏi của làng gốm Bát Tràng đã chiếm một không không gian rộng lớn. Trong đó, hiện diện bộ sản phẩm ấn tượng của họa sĩ – nghệ nhân Vũ Đức Thắng. Chúng đã thu hút và hấp dẫn khách tham quan không phải bằng kích cỡ rộng lớn mà chính là bằng dáng thế vững chãi mà thanh thoát, sắc men sâu lắng mà bay bổng.
Sau kỳ triển lãm, những vị khách nặng lòng với những dáng hình và màu men Vũ Đức Thắng lại trở về với gian hàng Hồn Đất Việt của vợ chồng nghệ nhân mở tại tư gia và chợ gốm Bát Tràng. Hồn Đất Việt – chỉ với ba chữ ấy thôi, đã gói ghém trọn cả tâm nguyện của đôi vợ chồng hoạ sĩ -nghệ nhân Bát Tràng Vũ Đức Thắng suốt cả một cuộc đời chảy trôi theo dòng sông Mẹ.
Nhà báo, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian
VŨ THỊ TUYẾT NHUNG