Ở mỗi quốc gia, các làng nghề truyền thống không chỉ là nơi lưu giữ những tinh hoa văn hóa mà còn đại diện cho sự đa dạng, phong phú của di sản văn hoá dân tộc mà quốc gia đó sở hữu. Tuy nhiên, trải qua nhiều biến đổi lịch sử cũng như sự phát triển của xã hội, nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng xưa kia đã thất truyền hoặc dần mai một, những nét văn hoá truyền thống cũng bị lược bỏ dần đi trong đời sống hiện đại.
Làng cổ nằm ở tả ngạn sông Hồng với gần 700 năm tuổi – Làng gốm Bát Tràng là một trong những làng nghề truyền thống còn duy trì được nghề gốm ông cha để lại cũng như gìn giữ được những nét đẹp, những giá trị tinh thần sâu lắng trong văn hoá cổ truyền. Bên cạnh nghề gốm ngày càng phát triển, lễ hội làng Bát Tràng vào tháng Hai âm lịch hàng năm còn được duy trì đến ngày nay chính là một hoạt động đặc sắc kết hợp hài hòa giữa văn hóa làng xã, tín ngưỡng cộng đồng và kiến trúc địa phương.
Hội làng Bát Tràng là để tưởng nhớ công đức của vị tổ nghề đã dạy nghề làm gốm cho người dân được phát triển như ngày nay cũng như các vị thành hoàng đã có công dựng làng từ những ngày đầu. Lễ hội diễn ra trong ba ngày (từ 14 đến 16/02 âm lịch), với nhiều hoạt động duy trì những phong tục của lễ hội truyền thống xưa ở đồng bằng Bắc Bộ ở cả phần lễ, phần hội và phần thực.
Những nghi lễ truyền thống như: Lễ Rước Nước, Lễ Tắm Bài Vị… được diễn ra long trọng với đầy đủ những nghi thức từ bao đời xưa. Đặc biệt là lễ Rước Tam Sinh, một nghi lễ chỉ có ở làng Bát Tràng với mâm lễ nổi bật gồm ba con vật: một con trâu tơ, một con dê và một con lợn sữa. “Được làm lễ rước nguyên cả một Ông Trâu đấy là phải có chiếu của vua cho phép. Ngày xưa dân làng Bát Tràng có công nên được vua Tự Đức cho 4 chữ “Hiếu – Nghĩa – Cấp – Công” hiện nay đang được treo trong đình làng và từ đó, người dân làng gốm Bát Tràng cũng được phép rước Ông Trâu như vậy”. Ông Nguyễn Văn Hưng (nghệ nhân làng gốm Bát Tràng) cho biết. Ngày cuối của lễ hội, phẩm vật phẩm của Rước Tam Sinh được hạ xuống chia đều cho mọi người dân trong làng cùng hưởng lộc. Trong những ngày lễ hội khi đi bộ dạo một vòng quanh Bát Tràng theo đoàn rước kiệu, ta sẽ thấy trước cửa mỗi nhà người dân trong làng đều đặt một mâm lễ dâng lên tổ nghề để tưởng nhớ công ơn.
Những trò chơi dân gian đặc sắc như cờ người, hát thờ…diễn ra liên tục trong 3 ngày hội. Đây là nét độc đáo riêng của các lễ hội truyền thống, thu hút dân làng và du khách đến tham gia và theo dõi.
Không chỉ nổi tiếng với nghề gốm [1] và các công trình kiến trúc bề thế [2], Bát Tràng còn được biết đến với ẩm thực địa phương độc đáo. Đây cũng là lí do khiến năm nào du khách khắp nơi đều háo hức về tham dự hội làng. Mâm cỗ Bát Tràng không chỉ là một bữa ăn truyền thống mà còn được truyền tai nhau về sự ngon và độc đáo của các món ăn, thể hiện sự tinh tế của người dân làng gốm. Cũng chỉ là các món quen thuộc của đồng bằng Bắc Bộ như bánh chưng, gà luộc, xôi vò, chè kho, canh bóng… nhưng khi sắp xếp cùng nhau trên mâm cỗ Bát Tràng, qua tay những “Nhà” nấu cỗ nổi tiếng ở Bát Tràng, những món ăn vốn quen thuộc có một sức hấp dẫn kì lạ. Điểm đặc biệt chỉ có trong mâm cỗ Bát Tràng là canh măng mực và su hào xào mực, hai món ăn có lẽ đã đi vào những câu chuyện về ẩm thực ở khắp mọi nơi mỗi khi nhắc đến Bát Tràng. Trong bữa ăn thụ lộc, hàng trăm mâm cỗ được dọn ra để đãi khách trước Đình và chạy dọc theo bờ sông Hồng hơn nửa cây số từ Đình đến Đền Mẫu; một cảnh tượng thú vị cho những trải nghiệm về hội làng Bát Tràng.
Theo như lời một số cụ ông cụ bà trong làng kể, lễ hội truyền thống này đã hình thành từ những ngày đầu thành lập làng gốm Bát Tràng và trải qua bao thế hệ cùng những biến đổi của thời thế, nhưng các nghi lễ của lễ hội xưa vẫn giữ nguyên, ăn sâu vào tiềm thức của người dân làng gốm. Tới Bát Tràng những ngày hội, giống như một chuyến tham quan trải nghiệm đa giác quan với nhiều cung bậc cảm xúc. Hội làng đã duy trì sự kết nối giữa con người với con người, giữa con người với tổ tiên và thần linh trong một xã hội đầy sự biến động văn hóa.
Thực hiện bởi Bát Tràng Museum