The First Bát Tràng Museum by national artist vũ thắng
Menu
The First Bát Tràng Museum by
national artist vũ thắng
Menu

“Cách học tốt nhất là học từ người đi trước”

M — N Associates

Nguyễn Bảo Anh Duy và Mai Ngọc Quế Lan cùng sáng lập Studio M — N Associates vào năm 2014. Những dự án của họ đều để lại dấu ấn đậm nét, thậm chí mang về hàng loạt giải thưởng quốc tế trong lĩnh vực thiết kế xây dựng thương hiệu. Bí quyết của họ là gì? “Những thiết kế chúng tôi đưa vào thương hiệu đều có ý nghĩa và gắn bó chặt chẽ với nhau. Tất cả cùng cộng hưởng để tạo ra một bức tranh thương hiệu tổng thể”. Tinh thần này cũng được Duy và Lan đem vào dự án văn hóa thực hiện cùng một bảo tàng gốm ở Bát Tràng, lấy cảm hứng từ những tác phẩm gốm của cố Nghệ nhân Nhân dân Vũ Đức Thắng nhằm tôn vinh giá trị truyền thống cũng như di sản sáng tạo mà nghệ nhân Vũ Đức Thắng để lại.

Trước khi thực hiện dự án này, thế giới gốm vẫn là một điều lạ lẫm đối với Duy và Lan. Quá trình tìm hiểu đã mang đến cho cả hai những kiến thức mới mẻ và cả lòng biết ơn với những di sản được để lại bởi thế hệ đi trước.

Bài: Vân Anh – Nhi Nguyễn

M — Lan và Duy — N
Đồng sáng lập Studio M — N Associates

Cách tiếp cận một dự án văn hóa – đặc biệt là một di sản đặc sắc như gốm Bát Tràng – khác với các dự án thương mại hai bạn từng làm như thế nào?

Khi làm các dự án liên quan đến văn hóa, chúng tôi phải cẩn thận với những thứ mà mình đưa vào, phải chắt lọc và thể hiện cách tiếp cận dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Chúng tôi cố gắng để tả thực – tức là giữ lại những chất liệu nguyên bản của văn hóa mà không đưa vào đó ý kiến hay quan điểm cá nhân. Cụ thể, với dự án Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng, chúng tôi phải tìm cách giữ được tinh thần gốc trong các tác phẩm của bác Thắng; hệ thống thiết kế chỉ là khung sườn giúp tiếp cận đến những đối tượng mới hơn, trẻ hơn, để họ hiểu được những giá trị cũ. Ví dụ, ngày xưa bác cũng có logo, chúng tôi làm một bộ font chữ để tạo ra logo mới dựa trên tinh thần của logo cũ đó.

Hai bạn đã học được gì từ dự án nói chung và nghệ nhân Vũ Đức Thắng nói riêng?

Chúng tôi đón nhận những giá trị mà thế hệ nghệ sĩ đi trước đã xây dựng cho ngành nghệ thuật Việt Nam và được truyền cảm hứng rất nhiều từ đó.

Phong cách của bác Thắng khá đương đại – rất sáng tạo, đột phá nhưng vẫn trên một nền gốm truyền thống. Chỉ mình bác mới có kỹ thuật đắp nổi hay kỹ thuật men đổi màu. Màu gốm của bác rất khác, nó có sự chuyển màu tinh tế sau quá trình nung nên ở các góc khác nhau sẽ cho cảm quan khác nhau. Vì thế, những chiếc bình của bác dù được làm từ lâu rồi nhưng chất men vẫn rất hiện đại.

Bạn chỉ cần ôm một cái bình mà quan sát men bác dùng, những hình chạm nổi đều có thể khiến bạn bật lên trầm trồ. Bác có hai cái bình làm cho dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, tôi lúc đầu cứ nghĩ hai cái bình đó phải chạm hình nổi tương tự nhau, hoặc ít nhất đối xứng nhau, hoặc nối từ bình này qua bình kia. Nhưng không, hai cái bình này khác nhau hoàn toàn, một cách có chủ đích. Hoặc một bộ tác phẩm của bác có 12 cái thống nhưng có cái thống rất to, có cái thống bé hơn, ở giữa có những cái thống lúp nhúp và không bằng nhau, trên đó là hình vẽ trải dài cả đất nước Việt Nam nhưng nét vẽ lại rất khác nhau, không có cái nào giống cái nào, đòi hỏi mình phải quan sát kĩ. Nói chung, mỗi tác phẩm đều là độc bản

Tôi nghe nói hai bạn đã dành rất nhiều thời gian ở Bát Tràng để tìm ý tưởng cho dự án này. Tôi vẫn chưa hình dung được một bảo tàng gốm tư nhân trông sẽ thế nào?

Giống như là bạn bước vào phòng khách của một người sưu tầm gốm vậy. Khắp nhà để toàn vại và chum to, nhiều đến độ bạn không có chỗ ngồi. Hoặc giống như khi bạn đến thăm nhà kho của một nghệ sĩ gốm, tác phẩm được trưng bày ở khắp nơi, và bạn cứ thế phải nhìn xuống nền nhà vì sợ sẽ bỏ lỡ mất cái gì. Ở nước ngoài, các tác phẩm trong bảo tàng sẽ được trưng bày đẹp đẽ với đầy đủ thông tin, còn dạng bảo tàng này ở Việt Nam thì chỉ đẹp một cách thuần túy thôi, tác phẩm đã đẹp rồi nên đặt vào góc nào cũng đẹp. Ở đây có sự cộng hưởng tất cả những gì tinh túy, chi tiết và công phu nhất của người nghệ sĩ. Đó chính là tính vật lý của bảo tàng. Nói chung, bạn cứ tưởng tượng đó là một bộ sưu tập cá nhân tập hợp tất cả những tác phẩm để đời của nghệ nhân, có những cái ngẫu hứng làm chơi mà lại thành độc bản.

Những bảo tàng tư nhân như vậy ở Việt Nam có nhiều không?

Thực ra ở Việt Nam có rất nhiều di sản nghệ thuật, chỉ là chưa được quảng bá mạnh mẽ thôi. Chúng tôi đã đi rất nhiều bảo tàng trên thế giới và mong rằng ở Việt Nam sẽ có những bảo tàng tư nhân như vậy để có thể lưu giữ những tác phẩm mà người đi trước để lại. Khi làm dự án này, chúng tôi rất hạnh phúc vì mình được đồng hành cùng bác Thắng để xây dựng từ những gì bác có.

Như tôi chia sẻ, quá trình sáng tạo của bác Thắng rất hiện đại. Bác đã biến gốm thành chất liệu canvas của riêng mình và tạo ra những đôi giày rất đặc trưng. Dù đi rất nhiều bảo tàng rồi nhưng chúng tôi chưa từng thấy tác phẩm nào như thế […] Thời đó, họ gặp nhiều khó khăn, chưa kể còn bị giới hạn về tài nguyên, nhưng vẫn có những tấm gương sáng chói về sáng tạo như bác Thắng.

“Tôi nghĩ rằng để học về sự bứt phá trong sáng tạo, tốt nhất là học từ những người đi trước”

Theo hai bạn, làm thế nào để những sáng tạo của thế hệ trước được công chúng biết đến nhiều hơn?

Với dự án Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng, chúng tôi làm theo hướng trung lập, giống như cách làm của rất nhiều bảo tàng lớn trên thế giới. Chúng tôi chỉ sử dụng hai gam màu trắng – đen, khi đó những tác phẩm gốm nhiều màu sắc sẽ tỏa sáng. Đây có thể là cách để các di sản văn hóa tiếp cận được giới trẻ hay khách nước ngoài.

Chúng tôi cũng có bộ font riêng “MN Vũ Thắng”. Trong từng ngóc ngách của con chữ sẽ có hình ảnh các bình gốm nằm rải rác, giống như bảo tàng vậy. Trước đây bác có thói quen kí tên ở dưới mỗi sản phẩm của mình, thành ra mỗi sản phẩm vừa có tính dân gian và truyền bá, lại vừa có cái tính riêng của người nghệ sĩ. Thay vì làm một hệ thống nhận diện rườm rà, chúng tôi nắm bắt cái “tính riêng” ấy và tạo ra bộ font chữ làm trung tâm cho cả bộ nhận diện thương hiệu của bảo tàng, vừa hợp lý, ý nhị lại không làm lu mờ các tác phẩm. Kết hợp lại, cả hệ thống trở thành sân khấu cho các tác phẩm được trưng bày một cách mạch lạc hơn, với thông tin trực quan hơn, cho người xem có nhiều “khoảng trống” để trải nghiệm.

Nhìn vào những chất liệu thu thập trong quá trình thực hiện dự án, tôi có cảm giác phong cách của người nghệ sĩ ảnh hưởng rất lớn đến hai bạn?

Đúng vậy. Chúng tôi trân trọng những nét đặc sắc của nghề gốm Bát Tràng cũng như cái chất riêng của người nghệ sĩ. Việc đưa những yếu tố đó vào thiết kế sẽ giúp lưu giữ và truyền tải chúng lâu dài và rộng rãi hơn. Theo một cách nào đó, đây cũng là cơ hội để chúng tôi học hỏi và kế thừa những giá trị tốt đẹp: đó có thể là cách làm nghề, hoặc một kiểu tư duy sáng tạo mang lại nhiều cảm hứng và rõ ràng là không lỗi thời.

Bác Thắng không phải là nghệ nhân xuất thân làm gốm ở Bát Tràng, bác từng tốt nghiệp khoa Đồ họa – Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội năm 1980 trước khi theo đuổi sáng tạo với gốm trong suốt 40 năm. Chúng tôi vẫn đùa rằng bác chính là nhà thiết kế đồ họa đời đầu mà chúng tôi nên học hỏi. Một nghệ sĩ có thể khiến một cái bình trở nên có hồn, có những nét điểm xuyết riêng như vậy phải là một người có tâm hồn linh động và phức tạp. Chúng tôi cũng hay nói là bác “quậy”, và bác đúng là quậy thật. Nhìn vào studio nơi bác làm việc trước kia, đồ bác “quậy” thành công cũng có, đồ bác “quậy” để ngổn ngang cũng có. Tôi nghĩ khi bác còn sống, chắc hẳn bác cũng không muốn bảo tàng của mình nhìn cũ kỹ hay mô phạm, vì vậy trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi cố gắng vừa giữ tinh thần tri ân, vừa hướng đến sự mới mẻ và giao thoa.

Cảm ơn chia sẻ của hai bạn!

Thành phố Hồ Chí Minh
Chuyên đề Grateful Heart
thuộc Tạp chí Đẹp, số 281, Tháng 12/2023
Bài viết: Vân Anh & Nhi Nguyễn
Ảnh: Lê Lai & M — N Associates

M — N Associates là công ty thiết kế sáng tạo chuyên về xây dựng thương hiệu, có trụ sở ở Sài Gòn, đứng sau hàng loạt thiết kế thương hiệu để lại dấu ấn và hợp tác với nhiều thương hiệu như Guta, Gaieté, Leman, GHTK, Beck’s Ice, PetChoy, HiRaw, Malto, Labels… M — N Associates đã đạt được hàng loạt giải thưởng thiết kế và ngày càng khẳng định chỗ đứng của mình trong cộng đồng sáng tạo nói chung và ở lĩnh vực branding Việt Nam nói riêng.

Giải thưởng

2023
Trasform Asia Awards, Best Brand Evolution (Gold)
Trasform Asia Awards, Best Visual Identity FMCG Sector (Silver)
Trasform Asia Awards, Typography (Bronze)
Communication Arts Annual, Typography 13 (Winner)

2022
Pentawards, Packaging (Silver)
Dieline Awards, Packaging (First Place)
Art Directors Club, Packaging (Bronze Cube)
3 x Type Director Club 68th (Winner)
2 x World Brand Design Awards 2021/22 (Silver)
Communication Arts Annual, Typography 13 (Winner)

2021
Dieline Awards, Branding (First Place)
Graphis Annual, Branding (Gold)
Communication Arts Annual, Typography 11 (Winner)

2020
A’ Design Awards, Graphic (Silver)
The One Show, Branding (Merit)
Art Directors Club, Typography (Bronze Cube)
Graphis Annual, Branding (Silver)
Graphis Annual, Typography (Silver)
Indigo Design Awards, Logo (Silver)
Indigo Design Awards, Branding (Silver)
International Design Awards, Rebranding (Silver)

2019
International Design Awards, Collateral (Gold)
International Design Awards, Branding (Silver)
The One Show, Logo (Shortlist)

2018
German Design Awards, Branding (Excellent)
German Design Awards, Packaging (Excellent)
Graphis, Branding (Gold)
2 x Graphis, Branding (Silver)

If you want to keep track on what’s happening here from time to time.

Xin hãy giữ liên lạc để nhận những thông tin mới nhất từ Bát Tràng Museum.