Làm thế nào để diễn tả sự mềm mại, thanh thoát của cơ thể con người bằng chất liệu thô cứng? Giám đốc sáng tạo Hà Đỗ, với sự hỗ trợ của Bát Tràng Museum, đã trả lời câu hỏi này bằng một tác phẩm gốm được tạo dáng và lấy mẫu từ một trong những biểu tượng của ngành thời trang Việt Nam: Đôi chân dài 1m12 của siêu mẫu Thanh Hằng.
[Triển lãm Ô: The Body of Art]
Thời gian: 10AM – 9PM, 8.12 – 11.12.2023
Địa điểm: Tầng B2, tòa nhà Union Square, 53 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM
13 năm trước, cố Nghệ nhân nhân dân Vũ Thắng, nhà sáng lập Bảo tàng nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng (gọi tắt là Bát Tràng Museum), đã thực hiện một bộ sưu tập giày bốt bằng gốm theo một đơn hàng đặc biệt, sau này ra mắt công chúng tại triển lãm “Chiếc giày gốm Bát Tràng” vào năm 2022. Cố Nghệ nhân cũng có dịp thiết kế chiếc chân bằng gốm trong một bộ ảnh chụp vận động viên khuyết tật Nguyễn Thị Thủy vào năm 2015. Từ đây, Bát Tràng Museum bắt đầu khám phá mối liên hệ thú vị giữa gốm và thời trang. “Những đề bài khó càng kích thích sự sáng tạo của những nghệ nhân trong xưởng gốm”, anh Vũ Khánh Tùng, con trai cố Nghệ nhân chia sẻ.
Và “người ra đề bài” cho xưởng gốm lần này cũng là người đứng sau những đơn đặt hàng đặc biệt cách đây hơn một thập kỷ: Giám đốc sáng tạo Hà Đỗ. Đến với triển lãm [Ô: The Body of Art], đích thân Hà Đỗ đã lên ý tưởng và tạo hình cho tác phẩm bằng chất liệu gốm Bát Tràng, cũng là vật liệu truyền thống có mặt trong hầu hết các công trình kiến trúc, vật dụng ở Việt Nam. Quyết định sử dụng chất liệu này là cách thể hiện tình yêu và niềm tự hào của cô dành cho đất Việt. Từng là người “đặt hàng” thành phẩm, cũng từng trực tiếp tiếp xúc với công đoạn lấy mẫu, tạo hình trong một dự án nghệ thuật khác vào đầu năm 2023, Hà Đỗ đến nay quyết định sử dụng gốm Bát Tràng để tự kể về câu chuyện của mình.
Sự đồng điệu trong nguồn cảm hứng thời trang và chất liệu, kết hợp cùng sự tin tưởng, chuyên nghiệp trong lần thứ 3 hợp tác giữa Hà Đỗ và Bát Tràng Museum đã mang đến một tác phẩm tái hiện đôi chân dài 1m12 của siêu mẫu Thanh Hằng, một nhân vật đại diện cho cái đẹp tiêu biểu trong ngành thời trang Việt Nam. “Trong lĩnh vực này, đôi chân là hình ảnh mang tính biểu tượng. Tôi muốn mang đến một tác phẩm thể hiện được ngành nghề mà mình đang làm việc trong hình hài nghệ thuật”, Hà Đỗ nói về cảm hứng hình thành tác phẩm. Đôi chân là biểu tượng thứ yếu của người mẫu, “nhưng không phải là thứ duy nhất. Cơ thể, khuôn mặt, đôi mắt… Tất cả các bộ phận trên cơ thể đều quan trọng như nhau”.
Đối với Hà Đỗ lẫn Bát Tràng Museum, “The Body of Art” còn là lời khẳng định: Nghệ thuật được tạo nên bởi con người và mỗi cá nhân đều là một tác phẩm nghệ thuật khác biệt. Trong đó, nếu vị giám đốc sáng tạo tự hào về khả năng kết hợp “hai nửa thế giới trong cùng một sản phẩm”, tức sử dụng chất liệu thô cứng để đắp thành sự mềm mại, thì người nghệ nhân trong xưởng gốm Bát Tràng hào hứng chấp nhận một thử thách thú vị khi chuyển thể tạo hình tác phẩm bằng gốm với tỷ lệ gần như 1:1 so với nguyên mẫu trong khoảng thời gian ngắn kỷ lục, sử dụng màu men xanh ngọc đặc trưng của Bát Tràng Museum.
Những đường nét tinh tế, sự cứng cáp mà dễ vỡ trong vật liệu đã mang đến một cách diễn giải mới lạ, nhưng không kém phần chân thực, về vẻ đẹp hình thể. Đặt cạnh dáng hình của vải vóc, cơ thể con người trở thành một tác phẩm nghệ thuật theo đúng nghĩa đen, lột tả những giá trị phi vật thể trường tồn trong thời trang. Đó là tư thế thoải mái và tự tin của con người, là sự phản ánh tích cách cá nhân, tinh thần nghệ thuật và kế thừa giá trị văn hóa. “Sự sáng tạo không có biên giới,” anh Vũ Khánh Tùng nhận định thêm. “Những chất liệu truyền thống như được khoác thêm lớp áo mới từ công nghệ mang đến những trải nghiệm mới cho người xem”.
——