The First Bát Tràng Museum by national artist vũ thắng
Menu
The First Bát Tràng Museum by
national artist vũ thắng
Menu

Đèn bàn Ballerina

Ấn tượng với hình ảnh đôi giày múa khổ luyện của những nghệ sĩ múa Ballet, Bát Tràng Museum Atelier đã hợp tác cùng với LeapArt Việt Nam lên ý tưởng làm chiếc đèn bàn Ballerina

Biên tập: Lỗ Hữu Đức Anh
Ảnh : Lê Lai
Địa điểm: ConCon House Hanoi – Kasa Caffe

“Thiết kế độc đáo này đã được vinh danh là sản phẩm nội thất của năm tại Asia Architecture Design Award 2023.”

Trong các vở Ballet, các nghệ sĩ múa thường được nhìn thấy với mũi ngón chân hoặc là bàn chân luôn ở một trong năm tư thế mà ngón chân của họ đều hướng ra bên ngoài và dáng đứng “thăng hoa” được các nghệ nhân của Bát Tràng Museum Atelier tạo hình bằng chất liệu gốm Bát Tràng cùng với họa tiết cúc dây truyền thống của Việt Nam và được xử lý bằng những lớp men chồng lên nhau tạo nên chiều sâu cho phần chân đèn. Phần chao đèn được những người thợ thêu lành nghề của Leap Art đến từ làng thêu Thường Tín (Hà Nội), cái nôi của nghệ thuật thêu tay truyền thống Việt Nam thêu tay trên nền nhung the, họa tiết cúc dây từ chân giày được nhắc lại tạo nên sự mềm mại và kết nối giữa chân và chao đèn.

Từng chao đèn hoạ tiết thêu hoa cúc dây truyền thống cần đến 67 giờ làm việc của một nghệ nhân lành nghề, kết hợp cả 3 phương pháp: thêu truyền thống, đính kết và đắp vải trên nền hoa văn gốm sứ. Tất cả các phương pháp thêu đều được những người nghệ nhân tỉ mỉ thực hiện, sao cho từng đường nét, hoa văn trên mặt nhung đạt đến độ tinh xảo. Phần thân đèn được chế tác tinh xảo bằng gốm Bát Tràng, phủ men xanh ngọc với kỹ thuật khắc chìm, chồng màu độc đáo. Đây là kĩ thuật đòi hỏi người nghệ nhân dùng kinh nghiệm và cảm xúc để thể hiện được ý tưởng đã định trước, đồng thời cũng chính là thước đo độ điêu luyện của người làm gốm. Các lớp men chồng lên nhau cũng sẽ biến ảo dưới tác động của nhiệt, tạo ra các phiên bản độc bản có độ sâu và độ trong khác nhau. Hai bộ phận được nối liền với nhau bằng ống trụ ẩn bên trong thân đèn và được giữ thăng bằng bởi đế bằng thép nguyên khối được tính toán chính xác, tỉ mỉ để tạo hiệu ứng thị giác vừa chông chênh, vừa vững chãi.

Xuyên suốt quá trình thực hành gìn giữ và phát triển nghề gốm cổ truyền Bát Tràng – Bát Tràng Museum Atelier luôn tìm tòi – thử nghiệm và kết hợp cùng những chất liệu từ những làng nghề thủ công khác để tôn vinh nghề thủ công truyền thống của Việt Nam. Tác  phẩm “Đèn bàn Ballerina” là một trong những nỗ lực gìn giữ, phát triển và lan tỏa giá trị, vẻ đẹp của văn hóa truyền thống mà Bát Tràng Museum Atelier cùng Leap Art tạo ra.

Gốm và nhung lụa, đó là sự tài hoa và tinh tế của những người thợ thủ công, là mối liên hệ sâu sắc và bền bỉ giữa những chất liệu tưởng chừng hiếm khi được kết hợp. Tác phẩm tôn vinh nghề thủ công truyền thống của Việt Nam, nhưng thể hiện trong hình dáng của một dáng chân múa đặc trưng của ballet, một loại hình nghệ thuật cổ điển của châu Âu. Sự kết hợp đa văn hóa, đa vật liệu trong tác phẩm này với sự độc đáo trong tạo hình, sự hài hòa có tính thẩm mỹ cao về màu sắc… tất cả tạo nên sự thăng hoa của nghề, của người nghệ sĩ, tạo nên tính đương đại cho tác phẩm. Đây là một sáng tạo rất riêng của Bát Tràng Museum và Leap Art.

Sự kết hợp đa văn hóa, đa vật liệu trong tác phẩm này với sự độc đáo trong tạo hình, sự hài hòa có tính thẩm mỹ cao về màu sắc… tất cả tạo nên sự thăng hoa của nghề, của người nghệ sĩ, tạo nên tính đương đại cho tác phẩm.

Bát Tràng Museum Atelier
Là xưởng gốm của Bảo tàng nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng, là nỗ lực tiếp nối phong cách làm gốm độc đáo đầy sáng tạo của nghệ nhân Vũ Thắng. Xưởng gốm được vận hành bởi những thành viên trong gia đình Cố Nghệ nhân cùng đội ngũ thợ giỏi đã gắn bó với xưởng gốm hàng chục năm. Xưởng gốm vẫn từng ngày tạo ra những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tạo của ông: bậc thầy trong việc sử dụng kỹ thuật khắc chìm, đắp nổi trên gốm cùng kỹ thuật chồng màu độc đáo, đưa tới những sắc men và hoa văn tinh tế, giàu biến tấu, mang đậm cá tính sáng tạo.

 

Leap Art
Là một thương hiệu thời trang & nội thất thêu thủ công. Với nỗ lực phát triển nghề thêu truyền thống theo xu hướng nghệ thuật hiện đại, nhưng vẫn bảo tồn giá trị truyền thống nguyên vẹn. Bằng niềm đam mê và sự sáng tạo không ngừng nghỉ, Leap Art đã đạt được thành tựu lớn trong việc kéo gần các sản phẩm thêu thủ công đến với giới trẻ, để họ có thể cảm nhận, trân trọng giá trị thủ công trong xã hội hiện đại.