Trò Chuyện: Gánh Vác Tổ Chức Văn Hoá Sáng Tạo – Đi Giữa Giấc Mơ Hồng diễn ra vào sáng ngày 03.12 đã hâm nóng bầu không khí hội trường trong một sáng mưa lạnh bằng các chia sẻ đắt giá và gợi mở nhiều câu hỏi đối thoại.
Các diễn giả khách mời của trò chuyện gồm có: Ariel Phạm – Nhà sưu tập nghệ thuật, người sáng lập và Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật The Outpost Art Organisation , Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, anh Nguyễn Hoàng Phương – Điều hành Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD, anh Vũ Khánh Tùng – Giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng Museum by National Artist Vũ Thắng và người điều phối, nhà báo Trương Uyên Ly – Giám đốc Hanoi Grapevine.
Địa điểm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Thời gian 10:00 – 12:00 – 03/12/2023
Nửa đầu cuộc trò chuyện, các khách mời lần lượt chia sẻ về tính chất, mục tiêu và tầm nhìn của tổ chức văn hoá sáng tạo mà mình đang dẫn dắt. Sự đa dạng về hình thức tư nhân và nhà nước, truyền thống và đương đại, platform vật lý và phi vật lý… mang đến cho khán giả một cái nhìn tổng quát về các tổ chức văn hoá tại Việt Nam.
Các diễn giả đều xuất phát từ những ngành nghề khác nhau, có niềm đam mê chung là văn hoá nghệ thuật. Họ đều gặp khó khăn trong giai đoạn đầu gây dựng hoặc tiếp quản tổ chức, đứng trước thách thức về quản lý tải chính, vận hành hệ thống và con người, duy trì các hoạt động bên trong bên ngoài… làm sao để dẫn dắt tất cả thành một thể thống nhất tiến về phía trước. Mỗi bước đi, mỗi sự đổi mới, chuyển mình đều phải đánh đổi bằng thất bại, tài chính và rất nhiều quyết định khó khăn. Với The Outpost là bài học quản lý tài chính, Văn Miếu là thách thức làm mới chính mình, TPD là bài toán duy trì tài chính sau khi cạn nguồn tài trợ quan trọng, Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng là sự tiếp nối, sáng tạo mới từ di sản, và Hanoi Grapevine là những quyết định đau đớn để sống sót với lý tưởng đã đề ra.
Không có công thức chung cho bất kỳ một tổ chức văn hoá sáng tạo nào. Mỗi nhà lãnh đạo đều tự học tự điều chỉnh trong quá trình thực hành của tổ chức. Đằng sau mỗi “giấc mơ hồng” nghệ thuật là rất nhiều mồ hôi, công sức, những hy sinh thầm lặng của các nhà lãnh đạo cùng đội ngũ. Dẫu khó khăn như vậy nhưng họ vẫn luôn giữ vững niềm tin và dũng cảm tiến về phía trước với tình yêu nghệ thuật và tinh thần lạc quan.