The First Bát Tràng Museum by national artist vũ thắng
Menu
The First Bát Tràng Museum by
national artist vũ thắng
Menu

KÝ ỨC CỦA GỐM

Hình ảnh ấy vẫn in sâu trong trí nhớ của Vũ Khánh Tùng: Căn nhà đã vãn khách khứa và thầy thợ, ba mẹ anh ở dưới hiên nhà, người đứng người ngồi, nhuộm đen chân tóc cho nhau. Khi những bước chân không còn ráo riết, tiếng cười nói tựa hồ nhẹ tênh.

Làng cổ Bát Tràng, nơi anh Tùng sinh ra và lớn lên, sở hữu nhiều điểm đặc trưng thu hút. Đó là món canh măng mực, là lò bầu cổ, là danh tiếng “làng khoa bảng”, và như một lẽ hiển nhiên, ta không thể không nhắc đến gốm – cái nghề đã gắn với vùng đất này gần bảy trăm năm. Để trưng bày những tác phẩm gốm sứ thủ công cho chính tay mình làm ra, nghệ nhân Bát Tràng thường xây cất một ngôi nhà ba gian kiểu cổ, đi kèm một mảnh vườn nhỏ, như một thứ “phải-làm”, bởi “nó gắn liền với nếp sống ở đây rồi, không gian nhà cổ và gốm dường như không thể tách rời”, Tùng nhận xét.

Bài: Bảo Châu
Ảnh: Lê Lai
Bản dịch tiếng Anh: Tống Mạnh
Bài viết đăng trên tạp chí L’OFFICIEL VIETNAM, số 044, tháng 8-2024

Hình ảnh ấy vẫn in sâu trong trí nhớ của Vũ Khánh Tùng: Căn nhà đã vãn khách khứa và thầy thợ, ba mẹ anh ở dưới hiên nhà, người đứng người ngồi, nhuộm đen chân tóc cho nhau. Khi những bước chân không còn ráo riết, tiếng cười nói tựa hồ nhẹ tênh.

Lúc bố của Tùng – Cố Nghệ nhân nhân dân (NNND) Vũ Thắng – hoàn thiện căn nhà cổ của gia đình, là lúc ông vừa hoàn thành trọng trách làm trưởng ban phục dựng lại nguyên bản Di tích kiến trúc Đình làng Bát Tràng, cũng là lúc Tùng rời quê để lập nghiệp ở một thành phố xa. Mỗi năm chỉ về nhà vào dịp Tết, nhưng lúc đó, anh thấy được câu chuyện cả năm qua của căn nhà. “Bố không có chuyên môn gì về thiết kế xây dựng đâu, nhưng cứ mỗi lần tôi về nhà lại thấy nhà đã được cơi nới”, Tùng nhớ lại. “Bố như một tour guide ấy – bố lâu lâu lại khoe bố mới mua cái này này, bố mới sửa cái này này…” Anh kể, cả bố lẫn mẹ anh đều xem việc tân trang, cơi nới khuôn viên căn nhà theo nhu cầu của gia đình như một thú vui, hay đúng hơn, là “cái nghiệp”. Lúc nào bố mẹ cũng nghĩ ra một thứ để xây để sửa. Bố anh còn có sở thích đi quanh nhà, ngắm nghía, rồi quyết định thay đổi mọi thứ ngay lập tức: Ở đây phải đặt cái này, chỗ kia phải trồng cây kia… Rồi bàn ghế, sập phản, đồng hồ, hoành phi, câu đối, v.v. Tất cả đều là đồ cổ, đều nhằm trang trí cho không gian gia đình, và từ đó ta thấy được chân dung của một nghệ nhân lành nghề, tỉ mỉ và rất yêu những nét đẹp truyền thống.

“Giờ để xây nhà như bố thì tôi không xây được,” Tùng cho biết.  Bởi không chỉ là việc tìm kiếm nguyên liệu hay thợ thầy, căn nhà như là một hệ tư tưởng của riêng cố NNND mà không ai có thể phỏng theo. Khi khách tham quan có dịp ghé căn nhà, cũng là ghé Bát Tràng Museum (Bảo tàng Nghệ thuật Hồn Đất Việt Bát Tràng) sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những dấu ấn rất cá nhân mà nghệ nhân đã để lại nơi đây. Vũ Khánh Tùng kể về những miếng nhân gạch bằng gốm do ông tự tay làm nên, hay những lối đi trong vườn được lát mosaic bằng những mảnh gốm vỡ từ những chuyến lò bị hỏng. Các bức tranh bằng gốm, chi tiết đục đẽo trên trần nhà, bàn thờ tổ tiên không dựng ảnh mà dựng tượng… Mọi ngóc ngách trong căn nhà đều vương lại một mảnh của NNND.  “Đôi khi đi quanh nhà vẫn tìm thấy một chi tiết gì đó mới, mặc dù không có ai thuyết minh cho mình nghe nữa”, Tùng tâm sự.

Còn dấu ấn của Vũ Khánh Tùng, người nối tiếp di sản của cố NNND, đặt khiêm tốn trong vườn. Đó là chiếc Ghế Rồng bia hơi, Đôn ghế Rồng trà đá màu đỏ bằng gốm trong BST Rồng Phố do anh, NTK Diệu Anh và những cộng sự tại Bát Tràng Museum Atelier sáng tạo, hay những chiếc totem tối giản bằng gốm mà anh cùng nghệ sĩ Trần Nữ Yên Khê sáng tác – Có thể nói đây là những thứ hiện đại nhất căn nhà, và chúng tạo nên một nét tương phản rõ rệt, nhưng vẫn hài hòa, với không gian truyền thống xung quanh. Phần còn lại, Tùng cho biết anh “muốn giữ nguyên ngôi nhà, sân vườn này. Trong thiết kế bảo tàng tương lai, tôi chỉ xây dựng khu phía trước để tối ưu hóa không gian trưng bày”. Đây là cách người kế nhiệm tri ân người sáng lập, và thể hiện thái độ tôn trọng với không gian kỷ niệm của gia đình. Thậm chí, chưa nhắc gì đến xây mới, chỉ riêng việc bảo dưỡng đã đủ đau đầu: Mái ngói phải được đảo định kỳ, mà thợ đảo ngói lành nghề ngày càng ít; Vườn cây cũng cần được cắt tỉa, tưới tiêu. “Thế thôi cũng đã hết một năm”, Khánh Tùng cho biết.

“Đôi khi đi quanh nhà vẫn tìm thấy một chi tiết gì đó mới, mặc dù không có ai thuyết minh cho mình nghe nữa”, Tùng tâm sự.

Totem – tác phẩm Bát Tràng Museum Atelier hợp tác cùng Nghệ sĩ Trần Nữ YênKhê.
Ghế Rồng bia hơi, tác phẩm Bát Tràng Museum Atelier hợp tác cùng Nhà thiết kế Diệu Anh.

Khi cố nghệ nhân còn sống, ngôi nhà bận rộn đến tận ngày 30 Tết, lúc thì dọn dẹp, lúc thì chăm vườn; ngẩng mặt lên đã thấy họ hàng tề tựu bên nồi bánh chưng và mấy cây giò thủ. Rồi khi căn nhà đã vãn khách khứa và thầy thợ, ba mẹ Tùng ở dưới hiên nhà cổ, người đứng người ngồi, nhuộm đen chân tóc cho nhau – Cảnh tượng một năm chỉ diễn ra đúng một lần. “Đó là ký ức tôi luôn nhớ và thấy ấm lòng mỗi khi nghĩ về căn nhà”, anh cho biết.

Trải dài từ quá khứ đến hiện tại, Tùng luôn là nhân chứng trực tiếp cho mọi thay đổi của căn nhà, còn bản thân nó vẫn luôn là một nơi để anh trở về. Chưa một đêm giao thừa nào vắng mặt người con trai duy nhất của gia đình, và thú vui, cũng là ý thức trách nhiệm của bố mẹ dành cho ngôi nhà, không thể không ảnh hưởng đến anh. “Lần đầu tôi xây căn nhà của mình, tôi cũng y vậy, cứ thích đi quanh nhà, nhìn ngắm, sắp xếp từ những góc nhỏ căn nhà cho đến khi không còn gì để làm nữa”, anh cười. “Bởi bố mẹ không chỉ xây nhà, mà còn chăm sóc nó, luôn vun đắp cho không gian sống của mình. Bố mẹ yêu căn nhà này đến như vậy”.