Đây là thách thức mà người nghệ nhân đặt ra cho bản thân, bởi đó là con đường chưa có người đi. Nặn đất sét thành giày đã khó, nung ở 1200 độ C mà vẫn nguyên vẹn hình hài còn khó hơn gấp bội. Dù đã nửa thế kỷ làm nghề, ông vẫn phải thử đi thử lại hàng chục lần, và phải mất sáu tháng kỳ công mới tìm ra lời giải. Vượt qua cửa ải kỹ thuật, ông bắt đầu thử nghiệm với màu sắc, thủ pháp và hoa văn. Cảm hứng sáng tạo chưa dứt, ông pha chế nhiều màu men mới, ứng dụng thêm nhiều kỹ thuật phức tạp và tinh xảo vào sản phẩm.
Bài viết bởi Phạm Quỳnh Châu
Hình ảnh bởi Đỗ Sỹ
Xuất hiện tại Đẹp Fashion Show năm 2011, tác phẩm của ông khiến mọi người phải kinh ngạc bởi vẻ đẹp kỳ lạ đến mê hoặc của những đôi giày gốm – một chất liệu mộc mạc đến không ngờ.
Giày được làm từng chiếc một, và bởi thế tất cả đều là độc bản. Cao 47.5 cm, rộng 17cm, nặng 2.5kg, gót và miệng giày thường được bọc đồng để tạo độ vững chãi. “Bản thân chiếc giày đã là một hình khối đẹp, với những đường cong thanh nhã, chỉ cần bổ sung hoa văn là đã có một tác phẩm hoàn hảo,” ông nhận định.
Hoa văn nổi, họa tiết chìm, phối màu men, tất cả đều là kỹ thuật truyền thống của nghề gốm ở khắp nơi. Vẫn đất sét ấy, vẫn cao lanh, vẫn kỹ thuật pha trộn và chồng màu ấy, nhưng để đạt đến độ huyền ảo thì đòi hỏi hàng chục năm kinh nghiệm của một bậc thầy. Không dừng ở đó, ông còn kết hợp nhiều chất liệu như sen khô, tơ tằm, bạc sợi… để tạo nên nét độc đáo cho từng tác phẩm. Đa dạng là thế, nhưng xuyên suốt mười hai sắc thái ấy vẫn luôn là một hơi thở thuần chân, nồng nàn hồn gốm Việt.
Mười hai chiếc giày của Vũ Thắng, bởi vậy, có thể xem như cuộc tao ngộ của truyền thống và hiện đại, đánh dấu sự khởi đầu cho mối lương duyên giữa gốm với thời trang.
Gốm men nâu, tạo hiệu ứng bề mật giả đồng. Điểm nổi bật là phần kén tằm màu trắng và những chuỗi hạt gỗ được đính công phu lượn sóng bên hông giày và bao phủ toàn bộ phần mũi giày. Nghệ nhân sử dụng kỹ thuật khắc chìm, hoạ tiết hoa sen và hoa dây lấy cảm hứng từ gốm hoa nâu thời Lý-Trần thế ký 11-14. Sự kết hợp giữa những dây hoa mềm mại uốn lượn bất tận trên nền nâu đơn sắc, với điểm nhấn là đoá sen bung cánh, tạo nên một vẻ đẹp thanh nhã cho tác phẩm.
Gốm men xanh ngọc, sử dụng kỹ thuật khắc chìm, hoạ tiết hoa sen và hoa dây lấy cảm hứng từ gốm hoa nâu thời Lý – Trần thế kỷ 11 – 14.
Kỹ thuật chồng màu được áp dụng tinh tế. Thoạt tiên, giày được tráng một lớp men, khắc hoạ tiết, sau đó chồng thêm nhiều lớp men khác cho đến khi đạt được độ sâu thẳm, huyền ảo theo ý tưởng của nghệ nhân.
Điểm nhấn của tác phẩm là phần mũi giày đính kết cầu kỳ nhiều chất liệu: đài sen khô, hạt gỗ và kén tằm phủ sơn mài.
Gốm men ngà, một trong những màu men truyền thống của Bát Tràng. Giày được vẽ bằng tay trực tiếp trên xương gốm cho màu chàm cổ thấm vào gốm, sau đó được phủ một lớp men trắng ngà.
Thân giày vẽ hoạ tiết bách hoa, lấy ý từ câu “nhân sinh bách nghệ”, tượng trưng cho vẻ trăm hoa đua nở của các ngành nghề của dân tộc Việt Nam.
Gốm men xanh ngọc, sử dụng kỹ thuật khắc chìm, hoạ tiết hoa sen và hoa dây lấy cảm hứng từ gốm hoa nâu thời Lý – Trần thế kỷ 11 – 14.
Tiếp tục cuộc thể nghiệm của người nghệ nhân với kỹ thuật chồng màu. Giày được tráng một lớp men, khắc hoạ tiết, sau đó được chồng thêm nhiều lớp men khác. Do sự biến chuyển ngẫu nhiên giữa các màu men mà sản phẩm làm ra luôn là độc bản.
Gốm men xanh ngọc, kỹ thuật khắc chìm, hoạ tiết hoa sen và hoa dây lấy cảm hứng từ gốm hoa nâu thời Lý – Trần thế kỷ 11 – 14.
Kỹ thuật chồng màu vẫn tiếp tục là cuộc chơi ưa thích của nghệ nhân Vũ Thắng. Giày được tráng một lớp men, khắc hoạ tiết, sau đó được chồng thêm nhiều lớp men khác. Các lớp men chồng lên nhau và biến ảo dưới tác động của nhiệt, từ lâu đã trở thành nét riêng độc đáo trên các tác phẩm của ông.
Điểm nhấn của chiếc giày này là phần miệng giày nạm bạc. Bạc được kéo từng sợi mỏng tạo hình hoạ tiết hoa lá và nạm lên chiếc giày gốm.
Gốm men nâu sử dụng kỹ thuật chồng màu. Giày được tráng một lớp men, khắc hoạ tiết, sau đó được chồng thêm nhiều lớp men khác.
Khác với những chiếc giày có hoa văn truyền thống, lần này, người nghệ nhân khắc chìm hoạ tiết hoa lan với những nét phóng khoáng, thanh thoát và hiện đại. Hoa lan tượng trưng cho vẻ đẹp của mùa xuân, đồng thời cũng là biểu tượng của tinh thần tự do.
Gốm men ngà, một trong những màu men truyền thống của Bát Tràng. Giày được vẽ bằng tay trực tiếp trên xương gốm cho màu chàm cổ thấm trên gốm sau đó được phủ một lớp men trắng ngà.
Thân giày vẽ tỉ mỉ hoạ tiết vảy cá, phần mũi giày thể hiện hình ảnh đầu cá chép sống động, có thần. Một họa tiết lấy cảm hứng từ tích cổ “Lý ngư vượt long môn” kết hợp với một món đồ thời trang hiện đại, kỳ lạ thay, lại trở nên hết sức phù hợp và đem lại những cảm xúc mới mẻ.
Gốm men ngà, một trong những màu men truyền thống của Bát Tràng. Giày được vẽ bằng tay trực tiếp trên xương gốm cho màu chàm cổ thấm trên gốm sau đó được phủ một lớp men trắng ngà.
Trên giày thể hiện họa tiết sóng thuỷ tam, tượng trưng cho sự tiếp nối nhau của các thế hệ.
Sự tương phản được tính toán kỹ lưỡng giữa màu chàm của sóng nước và màu ngà của nền đã tạo nên một tác phẩm tao nhã và trẻ trung.
Gốm men lam sử dụng kỹ thuật chồng màu. Giày được tráng một lớp men, rồi được khắc hoạ tiết, sau đó được chồng thêm nhiều lớp men khác để tạo độ đậm nhạt.
Trên chiếc giày này, kỹ thuật chồng màu được tiết chế, làm nền hoàn hảo cho hoạ tiết hoa được khắc chìm theo hình mắt lưới dọc thân giày, gợi nhớ đến những chiếc Western boot da kinh điển của phương Tây.
Gốm men ngà, một trong những màu men truyền thống của Bát Tràng. Giày được vẽ bằng tay trực tiếp trên xương gốm cho màu chàm cổ thấm trên gốm sau đó được phủ một lớp men trắng ngà.
Trên giày vẽ họa tiết “long cuốn thuỷ” (rồng hút nước), lấy cảm hứng từ con rồng thời Trần thế kỷ 14 uốn lượn uy nghi. Chiếc giày này có thể coi là tác phẩm tiếp nối của chiếc giày mang họa tiết “lý ngư vượt long môn”, thể hiện khoảnh khắc đầy uy vũ khi cá chép đã vượt vũ môn hóa rồng.
Gốm men lam sử dụng kỹ thuật chồng màu. Giày được tráng một lớp men, rồi được khắc hoạ tiết, sau đó được chồng thêm nhiều lớp men khác để tạo độ đậm nhạt.
Thân giày khắc chìm họa tiết “long hí thủy”, tượng trưng cho tinh thần luôn hướng về nguồn cội. Khác với hình ảnh con rồng trên những chiếc giày còn lại, người nghệ nhân đã lấy cảm hứng từ họa tiết rồng thời Nguyễn với thế cuộn mình uyển chuyển, sống động mà không kém phần uy nghi.
Gốm men lam, sử dụng kỹ thuật chồng màu ở trình độ bậc thầy. Giày được tráng một lớp men, khắc hoạ tiết, sau đó được chồng thêm nhiều lớp men khác để tạo độ đậm nhạt.
Đôi giày này thể hiện rõ nét nhất tài năng “làm ảo thuật với men” của nghệ nhân Vũ Đức Thắng. Màu sắc ẩn hiện lớp lớp biến ảo mà vẫn giữ được độ trong, hoạ tiết hoa đào sống động tươi tắn như một khu vườn xuân.
Đây cũng chính là tác phẩm đã tạo được ấn tượng sâu sắc với người thưởng ngoạn và được tổ chức kỉ lục Guiness Việt Nam cấp bằng công nhận là đôi giày gốm lớn nhất cả nước (2013).