The First Bát Tràng Museum by national artist vũ thắng
Menu
The First Bát Tràng Museum by
national artist vũ thắng
Menu

Thị trấn gốm Mashiko

Những ngày cuối thu, tôi có dịp đồng hành cùng Bát Tràng Museum Atelier tới Nhật Bản. Trong hai tuần rong ruổi ở đất nước mặt trời mọc này, chúng tôi có dịp tới thăm thị trấn gốm Mashiko.

Trước khi đến Mashiko, tôi đã  từng mặc định (hoàn toàn thiếu kiểm chứng thực tế) rằng người Nhật thường dè dặt và nhút nhát trước mặt người lạ. Dường như có một lớp chắn phòng thủ vô hình nào đó được dựng lên khiến tôi không thể thực sự kết nối với họ, những cuộc trò chuyện giữa tôi với một số người tôi từng gặp gỡ tưởng như không có ranh giới nào nhưng thực chất chỉ là vẻ ngoài.

Mashiko, một thị trấn nhỏ nằm ở tỉnh Tochigi, là một địa điểm lịch sử quan trọng đối với đồ gốm Nhật Bản.

Cuộc gặp gỡ giữa những thế hệ tiếp nối trong xưởng gốm lâu đời ở hai địa danh làm gốm nổi tiếng Mashiko-Nhật Bản và Bát Tràng-Việt Nam.

 

Thị trấn Mashiko đã giúp tôi thực hiện một cú đảo chiều chóng mặt trong tư tưởng. Người dân ở đây sẵn sàng đón nhận và chủ động kết bạn với những người lạ là chúng tôi. Đó là những gì tôi cảm nhận thấy, khi lần đầu gặp gỡ chú Nobuya Aigun (cố vấn xưởng gốm Tsukamoto)

Có lẽ sự thân thiện của chú Aigun đã làm tan biến đi nỗi bực dọc do người phiên dịch mang tới trước đó khi dẫn chúng tôi đi lạc lòng vòng quanh thị trấn này để tìm kiếm chú – người nhận lời hướng dẫn chúng tôi tham quan một vòng Mashiko qua vài lời gửi gắm ngắn ngủi của một người bạn chung ở Tokyo.

Chú Nobuya Aigun, cố vấn xưởng gốm Tsukamoto và Anh Vũ Khánh Tùng, giám đốc Bát Tràng Museum.

Ngược dòng thời gian – Ngược dòng ký ức

Bắt đầu chuyến tham quan, chúng tôi được chú Aigun kể về lịch sử nơi đây. Đó là gốm sứ Mashiko bắt đầu được sản xuất từ năm 1853 vào cuối thời kỳ Edo, rồi từ thời Edo chuyển sang thời Minh Trị thì Mashiko đã trở thành trung tâm sản xuất đồ gốm đáp ứng các nhu cầu đời sống của người dân Nhật Bản bấy giờ, một phần nữa nhờ vị trí địa lí gần Tokyo nên quá trình vận chuyển trở nên dễ dàng. Nhưng nó chẳng có một công thức hay hình dáng đặc trưng để truyền thừa. Thời kì đó, đồ gốm Mashiko nhờ đặc tính mỏng-nhẹ và được làm từ loại đất sét mịn, nên được dùng để tạo tác một số lượng lớn các đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày. Người ta còn rỉ tai nhau rằng có đến cả nghìn ấm trà “Dobin” được trang trí mỗi ngày.

“Đẳng cấp từ góc nhỏ trong căn bếp”

Vậy từ bao giờ, Mashiko này từ vùng chuyên sản xuất đại trà đồ gốm dùng thường nhật lại vươn lên tầm nghệ thuật vậy? Đó là nhờ vào sự xuất hiện của “Kho báu sống của quốc gia – Ningen Kokuchõ” là Hamada khi chuyển về đây sinh sống vào năm 1930. Shõji Hamada bắt đầu được biết tới với tư cách là một nghệ nhân gốm nhờ cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên tại phòng trưng bày Paterson ở London sau ba năm miệt mài làm việc cùng Leach ở St.Lves-Cornwall (năm 1923). Cũng cùng năm đó, vào tháng 9 thì tại Kantõ xảy ra một trận động đất lớn làm thiệt hại nặng nề các xưởng gốm ở đây và điều này cũng dẫn tới quyết định quay trở về Nhật Bản của Hamada năm 1924. Và đây cũng là lần đầu tiên ông tới Mashiko ở Tochigi. Nhưng cho mãi tới 1930 thì Hamada mới bắt đầu chuyển hẳn về đây sinh sống và xây dựng xưởng gốm. Vậy làm thế nào mà Hamada đã nâng giá trị những sản phẩm của vùng Mashiko từ cấp độ đồ dùng thường ngày lên tầm nghệ thuật? Tôi nghĩ đó là nhờ vào những năm tháng chu du ẩn danh khắp nơi của mình mà Hamada đã tích luỹ cho bản thân kinh nghiệm về văn hoá Đông-Tây hay các kĩ thuật cổ kim để cho ra một nét riêng của bản thân rồi thổi hồn vào các tác phẩm của mình và mang những vật dụng bình dị lên tầm cao với hình hài-màu sắc-kết cấu-phong cách mới.

 

 

Quá trình phát triển sự nghiệp làm gốm sứ của bản thân là từ khi tôi tìm thấy con đường của mình ở Tokyo, rồi bắt đầu ở Anh, học ở Okinawa và sau đó trau dồi nó ở Mashiko”

 

 

Đây là một câu nói nổi tiếng của Shoji Hamada khi nhìn lại cuộc đời của ông. Có thể nói, quyết định chuyển về Mashiko của Hamada là động lực cho các nghệ nhân gốm và thợ thủ công từ nhiều nơi chuyển về đây sống và cùng nhau khắc phục hậu quả sau trận động đất; đặc biệt vào những năm 1970, khi có nhiều nghệ nhân giỏi cùng tới Mashiko để làm việc cùng nhau. Đó là một phần nhỏ những gì mà tôi tìm hiểu sau khi trở về nhà một thời gian. Giờ thì quay trở lại ngày mà chúng tôi gặp chú Aigun tại xưởng gốm Tsukamoto.

 

—–
*Ấm trà Dobin: Ấm trà cổ Mashiko theo kiểu Dobin của Nhật Bản

“Kế thừa và phát triển”

Chú Aigun lĩnh hội tinh thần của những thế hệ đầu “Rihei Tsukamoto” nên không một chút ngần ngại công khai cho những người bạn mới tới thăm xưởng gốm lần đầu từng khâu trong 9 quy trình để tạo ra một chiếc “kamakko” hoàn chỉnh. Chú bỏ hết vốn liếng chỉ cho chúng tôi bằng hết, từ khâu nào làm máy hay làm tay, nhiệt độ bao nhiêu… mà chẳng giữ cho mình một quân tẩy nào cả. Ngoài sự choáng ngợp về con số 8.000 chiếc Kamakko được tạo ra mỗi ngày thì tất cả chúng tôi đều bị không gian của phân xưởng hút hồn. Mọi góc ở đều muốn đóng khung mang treo lên.

Luôn có những lớp học làm gốm với sự hướng dẫn của những người thợ thủ công lành nghề ở Mashiko. Quay trở về nơi xuất phát ban đầu, chúng tôi được dẫn tới phòng trưng bày của Tsukamoto. Không chỉ trưng bày mà nơi đây còn là một cửa hàng bán các tác phẩm được tuyển chọn của các nghệ nhân-thợ gốm sống ở Mashiko. Trong đó còn có cả những tác phẩm các của Shoji Hamada và Tatsuzo Shimaoka. Kết thúc buổi thăm quan xưởng gốm Tsukamato, chúng tôi được chú Aigun dẫn tới một nhà hàng ramen để ăn trưa trước khi tới điểm cuối của hành trình “xuyên không” này.

 

—–
*Kamakko: một kiểu bát ăn của Nhật
*Tatsuzo Shimaoka: học trò của Shoji Hamada và cũng là người thứ hai ở Mashiko được phong làm bảo vật sống của Quốc Gia
*Rihei Tsukamoto: Là những người với tinh thần sẵn sàng chia sẻ văn hoá, phong cách độc đáo của Mashiko với thế giới.
 Những chiếc ghế được Shõji Hamada sưu tầm từ khắp nơi ông đến
Chân dung nghệ nhân gốm Shõji Hamada (1894-1978)

Shõji Hamada Memorial Mashiko Sankokan Museum

Điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm Mashiko là đến nhà của Shoji Hamada. Ở đây tôi mới được biết, Hamada không chỉ là một thợ gốm nổi tiếng mà còn là một kiến trúc sư khi mà ông mua những nhà cũ từ thời Edo, di dời tới Motegi và cải tạo chúng.  Năm 1930, ông cải tạo lại một khuôn viên nằm nép mình giữa những cây lớn và những tảng đá phủ rêu bên sườn đồi để trở thành nơi ở của mình khi chuyển về Mashiko sống. Ở mỗi khu vực trong khuôn viên nhà mình, ông trưng bày bộ sưu tập cá nhân về đồ nội thất, dụng cụ, gốm sứ và các món đồ thủ công khác. Tôi có cảm giác sống như đang lật từng trang sách về lịch sử nghề thủ công của Nhật Bản và thế giới bao la ngoài kia mà ông Hamada đã cóp nhặt trong suốt cuộc đời mình. Cho tới khi trở về tìm hiểu thêm thông tin về bảo tàng tôi mới nhận ra sự tinh tế của ông trong cách đặt tên cho nơi này. Cái tên “Sankokan” trong tiếng Nhật có nghĩa là “Tham khảo”. Và ông muốn những người hậu thế khi tới đây hãy tham khảo và tạo ra nét riêng của bản thân như cách ông từng làm sau khi chu du ẩn danh trước khi dọn về Mashiko  và gắn cuộc đời mình với thị trấn này. 

Ngôi nhà có mái tranh mà Shoji Hamada từng sống hiện đang được mở cửa cho mọi người tới tham quan. Và nó từng được sử dụng làm bảo tàng gốm sau khi trở thành một địa điểm văn hoá vào năm 1989.

Trên đường ra khu vực đỗ xe để ra ga tàu về lại Tokyo, tôi thấy một tấm biển chỉ dẫn với dòng chữ “St.lves 9803km”. Cột mốc này để ông Hamada nhớ về lò nung đầu tiên của mình cùng người bạn Bernard Leach khi chuyển St.Lves làm gốm” – chú Aigun giải thích cho tôi trước khi chào tạm biệt thị trấn Mashiko đáng yêu.

——
Mashiko, tháng 10-2023
Bài: Lỗ Hữu Đức Anh
Ảnh: Lỗ Hữu Đức Anh, Hellos.
Cột mốc này để ông Hamada nhớ về lò nung đầu tiên của mình cùng người bạn Bernard Leach khi chuyển St.Lves làm gốm”
bta

If you want to keep track on what’s happening here from time to time.

Xin hãy giữ liên lạc để nhận những thông tin mới nhất từ Bát Tràng Museum.